Thư Viện Luật Huế - Kho Nội Dung Số Cho Sinh Viên Luật Huế

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Thư Viện Luật Huế - Kho Nội Dung Số Cho Sinh Viên Luật Huế

Http://www.ThuVienLuatHue.Tk - Library of Hue's Law Student


    Bộ Luật Dân sự năm 2005 ( từ điều 139 đến điều 199 )

    minhtoi18293
    minhtoi18293
    SMod
    SMod


    Tổng số bài gửi : 90
    Điểm : 23104
    Đến từ : phổ vinh - đức phổ - quảng ngãi
    Status : sinh viên K35C - Khoa Luật- đại học Huế

    Bộ Luật Dân sự năm 2005 ( từ điều 139 đến điều 199 ) Empty Bộ Luật Dân sự năm 2005 ( từ điều 139 đến điều 199 )

    Bài gửi by minhtoi18293 Sat Jul 21, 2012 9:07 pm


    CHƯƠNG VII
    ĐẠI DIỆN
    Điều 139. Đại diện
    1. Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
    2. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
    3. Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo ủy quyền.
    4. Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập.
    5. Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này.
    Điều 140. Đại diện theo pháp luật
    Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
    Điều 141. Người đại diện theo pháp luật
    Người đại diện theo pháp luật bao gồm:
    1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
    2. Người giám hộ đối với người được giám hộ;
    3. Người được Toà án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
    4. Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
    5. Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;
    6. Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;
    7. Những người khác theo quy định của pháp luật.
    Điều 142. Đại diện theo ủy quyền
    1. Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện.
    2. Hình thức ủy quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.
    Điều 143. Người đại diện theo ủy quyền
    1. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
    2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
    Điều 144. Phạm vi đại diện
    1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    2. Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền.
    3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
    4. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.
    5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    Điều 145. Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện
    1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.
    2. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.
    Điều 146. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện
    1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.
    2. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
    3. Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
    Điều 147. Chấm dứt đại diện của cá nhân
    1. Đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
    a) Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;
    b) Người được đại diện chết;
    c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
    2. Đại diện theo ủy quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
    a) Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
    b) Người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;
    c) Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
    Khi chấm dứt đại diện theo ủy quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với người được đại diện hoặc với người thừa kế của người được đại diện.
    Điều 148. Chấm dứt đại diện của pháp nhân
    1. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt.
    2. Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
    a) Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
    b) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;
    c) Pháp nhân chấm dứt hoặc người được ủy quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
    Khi chấm dứt đại diện theo ủy quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với pháp nhân ủy quyền hoặc pháp nhân kế thừa.
    CHƯƠNG VIII
    THỜI HẠN
    Điều 149. Thời hạn
    1. Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.
    2. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.
    Điều 150. Áp dụng cách tính thời hạn
    1. Cách tính thời hạn được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
    2. Thời hạn được tính theo dương lịch.
    Điều 151. Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn
    1. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
    a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
    b) Nửa năm là sáu tháng;
    c) Một tháng là ba mươi ngày;
    d) Nửa tháng là mười lăm ngày;
    đ) Một tuần là bảy ngày;
    e) Một ngày là hai mươi tư giờ;
    g) Một giờ là sáu mươi phút;
    h) Một phút là sáu mươi giây.
    2. Trong trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
    a) Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;
    b) Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;
    c) Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
    3. Trong trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
    a) Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;
    b) Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;
    c) Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.
    Điều 152. Thời điểm bắt đầu thời hạn
    1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
    2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định.
    3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày xảy ra sự kiện đó.
    Điều 153. Kết thúc thời hạn
    1. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
    2. Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
    3. Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
    4. Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
    5. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
    6. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.
    CHƯƠNG IX
    THỜI HIỆU
    Điều 154. Thời hiệu
    Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.
    Điều 155. Các loại thời hiệu
    1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.
    2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
    3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
    4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.
    Điều 156. Cách tính thời hiệu
    Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.
    Điều 157. Hiệu lực của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự
    1. Trong trường hợp pháp luật quy định cho các chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực.
    2. Thời hiệu hưởng quyền dân sự không áp dụng trong các trường hợp sau đây:
    a) Chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật;
    b) Việc hưởng quyền nhân thân không gắn với tài sản.
    3. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự không áp dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    Điều 158. Tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự
    1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt.
    2. Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:
    a) Có sự giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;
    b) Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp.
    3. Thời hiệu cũng được tính liên tục trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác.
    Điều 159. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
    1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    Điều 160. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
    Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không áp dụng trong những trường hợp sau đây:
    1. Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước;
    2. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
    3. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
    Điều 161. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
    Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
    1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
    Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
    Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình;
    2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
    3. Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.
    Điều 162. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
    1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
    a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
    b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
    c) Các bên đã tự hoà giải với nhau.
    2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
    PHẦN THỨ HAI
    TÀI SẢN VÀ QUYỀN SỞ HỮU
    CHƯƠNG X
    NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
    Điều 163. Tài sản
    Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.
    Điều 164. Quyền sở hữu
    Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
    Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản.
    Điều 165. Nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu
    Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
    Điều 166. Chịu rủi ro về tài sản
    Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
    Điều 167. Đăng ký quyền sở hữu tài sản
    Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    Điều 168. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản
    1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    2. Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
    Điều 169. Bảo vệ quyền sở hữu
    1. Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.
    2. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.
    Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.
    3. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
    Điều 170. Căn cứ xác lập quyền sở hữu
    Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:
    1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp;
    2. Được chuyển quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
    3. Thu hoa lợi, lợi tức;
    4. Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;
    5. Được thừa kế tài sản;
    6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;
    7. Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này;
    8. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
    Điều 171. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu
    Quyền sở hữu chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
    1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác;
    2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình;
    3. Tài sản bị tiêu hủy;
    4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu;
    5. Tài sản bị trưng mua;
    6. Tài sản bị tịch thu;
    7. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định; tài sản mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này;
    8. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
    Điều 172. Hình thức sở hữu
    Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
    Điều 173. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản
    1. Người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thoả thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật.
    2. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản bao gồm:
    a) Quyền sử dụng đất;
    b) Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề;
    c) Các quyền khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
    3. Việc chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác không phải là căn cứ để chấm dứt các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản đó quy định tại khoản 2 Điều này .
    4. Các quyền đối với tài sản của người không phải là chủ sở hữu được bảo vệ theo quy định tại Điều 261 của Bộ luật này.
    5. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản phải đăng ký bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề theo thoả thuận và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
    CHƯƠNG XI
    CÁC LOẠI TÀI SẢN
    Điều 174. Bất động sản và động sản
    1. Bất động sản là các tài sản bao gồm:
    a) Đất đai;
    b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó;
    c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai;
    d) Các tài sản khác do pháp luật quy định.
    2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
    Điều 175. Hoa lợi, lợi tức
    1. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại.
    2. Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.
    Điều 176. Vật chính và vật phụ
    1. Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng.
    2. Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính.
    Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
    Điều 177. Vật chia được và vật không chia được
    1. Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.
    2. Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.
    Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.
    Điều 178. Vật tiêu hao và vật không tiêu hao
    1. Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.
    Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn.
    2. Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.
    Điều 179. Vật cùng loại và vật đặc định
    1. Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường.
    Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.
    2. Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí.
    Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.
    Điều 180. Vật đồng bộ
    Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.
    Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
    Điều 181. Quyền tài sản
    Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.
    CHƯƠNG XII
    NỘI DUNG QUYỀN SỞ HỮU
    MỤC 1
    QUYỀN CHIẾM HỮU
    Điều 182. Quyền chiếm hữu
    Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản.
    Điều 183. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
    Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp sau đây:
    1. Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
    2. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
    3. Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
    4. Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
    5. Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
    6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
    Điều 184. Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu
    Trong trường hợp chủ sở hữu chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý tài sản nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
    Việc chiếm hữu của chủ sở hữu không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian, trừ trường hợp chủ sở hữu chuyển giao việc chiếm hữu cho người khác hoặc pháp luật có quy định khác.
    Điều 185. Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản
    1. Khi chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản cho người khác thì người được ủy quyền thực hiện quyền chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.
    2. Người được ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo căn cứ về thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.
    Điều 186. Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự
    1. Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.
    2. Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác, nếu được chủ sở hữu đồng ý.
    3. Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo căn cứ về thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.
    Điều 187. Quyền chiếm hữu tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu
    1. Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
    Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    2. Đối với tài sản do người khác tẩu tán nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thì người phát hiện phải thông báo hoặc giao nộp ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.
    Điều 188. Quyền chiếm hữu gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc
    Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu chưa xác định được chủ sở hữu thì được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu.
    Điều 189. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình
    Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 183 của Bộ luật này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
    Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.
    Điều 190. Chiếm hữu liên tục
    Việc chiếm hữu tài sản được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về tài sản đó là chiếm hữu liên tục, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.
    Điều 191. Chiếm hữu công khai
    Việc chiếm hữu tài sản được coi là chiếm hữu công khai khi thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.
    MỤC 2
    QUYỀN SỬ DỤNG
    Điều 192. Quyền sử dụng
    Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
    Điều 193. Quyền sử dụng của chủ sở hữu
    Trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
    Điều 194. Quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu
    1. Quyền sử dụng tài sản có thể được chuyển giao cho người khác thông qua hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
    Người không phải là chủ sở hữu có quyền sử dụng tài sản đúng tính năng, công dụng, đúng phương thức.
    2. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình cũng có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo quy định của pháp luật.
    MỤC 3
    QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT
    Điều 195. Quyền định đoạt
    Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.
    Điều 196. Điều kiện định đoạt
    Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật.
    Trong trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.
    Điều 197. Quyền định đoạt của chủ sở hữu
    Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
    Điều 198. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu
    Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.
    Người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu.
    Điều 199. Hạn chế quyền định đoạt
    1. Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định.
    2. Khi tài sản đem bán là di tích lịch sử, văn hoá thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.
    Trong trường hợp pháp nhân, cá nhân, chủ thể khác có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

      Hôm nay: Sun May 12, 2024 2:59 pm